Bài tuyên truyền phòng chống cháy nổ trong trường học

Thứ tư - 22/05/2024 10:46
Kính thưa quý thầy cô giáo và toàn thể các bạn học sinh thân mến! Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, bởi cháy nổ rất dễ xảy ra và nếu không có những biện pháp xử lí kịp thời thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng thiệt hại về người và tài sản. Hôm nay, trường TH Hiệp Thành tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác PCCC và CNCH tới toàn thể các bạn học sinh nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng chủ động, ứng phó kịp thời với các tình huống cháy nổ có thể xảy ra.
Bài tuyên truyền phòng chống cháy nổ trong trường học
Trường học là nơi nuôi dưỡng, đào tạo các thế hệ dựng xây đất nước. Nơi đây, mỗi cá nhân có thể tích tụ được kiến thức cơ bản nhất để có thể bước những bước xa hơn trong cuộc sống sau này. K năng mà mỗi cá nhân tích tụ có thể thông qua kiến thức giảng dạy nhưng cũng có thể có được qua những hình ảnh trực quan của nhà trường. Do vậy, tổ chức công tác PCCC có vị trí vô cùng quan trọng, vừa góp phần đảm bảo an toàn PCCC cho nhà trường song đồng thời cải tạo nhân sinh quan trong mỗi cá nhân về công tác đảm bảo an toàn PCCC.
I. Đặc điểm, Tính chất nguy hiểm cháy, nổ trong trường học
Hiện nay, trên khắp địa bàn thành phố đều có trường học ở các cấp khác nhau như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học các cấp, trung tâm giáo dục, học viện, đại học... Trong xây dựng và phát triển các trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất mới hoặc được cải tạo lại với quy mô, các trang thiết bị và tiện nghi học tập, sinh hoạt tương đối đầy đủ, hoàn thiện. Các trường học được chia thành nhiều khu riêng biệt như: khu vui trơi giải trí, khu học tập (phòng học); khu phục vụ sinh hoạt (phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ  sinh…), khu vực chế biến thức ăn (bếp nấu, kho chăn màn,…), khu vực để xe. Tại một số trường học còn có khu vc ký túc xá dành cho học sinh nội trú. 
Các trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ, một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện và phục vụ quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học. Chất cháy trong trường học chủ yếu là các chất dễ cháy như: chăn, màn, giường chiếu, quần áo, bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm, hóa chất... Trong từng bộ phận của nhà trường mà có những chất dễ bắt cháy như xăng trong khu vực ga ra xe, khí dầu mỏ hóa lỏng như khu vực bếp ăn tập thể…
Nguồn nhiệt được tạo ra trong trường học bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như do sơ xuất trong việc dùng lửa để nấu thức ăn, để thực hành thí nghiệm, do vi phạm quy định về PCCC như hút thuốc, đốt cỏ rác... Đối với các trường mẫu giáo, tiểu học… học sinh chưa có khái niệm nhiều về mức độ nguy hiểm của lửa vì vậy thường hay dùng lửa để nghịch như lấy diêm đốt giấy để sưởi ấm vào mùa đông, dùng lửa để đùa nghịch... Ngoài ngọn lửa trực tiếp gây ra cháy thì việc sử dụng các thiết bị điện cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt. Ở các trường học luôn có nhu cầu lớn về việc dùng điện chẳng hạn dùng điện để đun nấu, dùng điện để sưởi ấm, dùng điện để là quần áo, chăn màn cho các cháu, dùng điện để tiến hành các thí nghiệm, dùng điện để chiếu sáng... Quá trình sử dụng thiết bị điện quá công suất chịu tải của dây dẫn và các thiết bảo vệ, sử dụng sai quy định gây ra các hiện tượng quá tải, lâu ngày không kiểm tra đường dây dẫn điện nên bị chạm chập, quá tải, điện trở chuyển tiếp...
Trường học là đối tượng cần được tổ chức PCCC bởi trong trường học cháy có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào. Dựa vào tính chất sử dụng, các ngôi nhà công trình trong các trường được phân chia thành các khu vực khác nhau để tổ chức việc PCCC. Đánh giá nguy hiểm cháy trong trường học phân chia theo khu vực:
- Khu vực hội trường, giảng đường, phòng học
+ Các chất cháy chủ yếu ở đây là bàn, ghế, bục, bảng bằng gỗ, phông màn và các vật tư thiết bị đồ vật khác. Chúng đều là chất dễ cháy, được phân bố trải dài trên nền và như vậy nguy hiểm cháy lan là rất lớn.
+ Nguồn nhiệt gây cháy được hình thành từ sự cố hệ thống điện (ngắn mạch, quá tải) từ các thiết bị tiêu thụ điện như thiết bị chiếu sáng trên trần nhà, hệ thống điều hòa, ngọn lửa trần do hút thuốc. Đặc biệt lưu ý nguồn nhiệt hình thành do hút thuốc và do thiết bị điện sinh nhiệt hội trường có sân khấu do ở những vị trí này có nhiều chất dễ cháy như phông, rèm.
+ Học sinh trong trường học là đối tượng ít có hiểu biết về nguy hiểm cháy, khi có cháy lại thường bị hoảng loạn do vậy nếu cháy xảy ra trong giờ học sẽ rất dễ dẫn đến sự dẫm đạp lên nhau trong quá trình chạy thoát nạn. Bên cạnh đó, do ít hiểu biết về cháy nổ, các em còn chơi đùa, nghịch lửa trong giờ ra chơi, sinh hoạt và đó có thể trở thành nguồn nhiệt gây cháy.
- Phòng thí nghiệm, thực nghiệm
Đây là nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cháy nổ trong số các ngôi nhà, công trình trong trường. Chất cháy ở đây là các loại hoá chất, nhiên liệu, vật liệu dễ cháy nổ trong bảo quản cũng như trong sử dụng, làm thí nghiệm cũng như thực nghiệm. Bên cạnh đó, có nhiều loại hóa chất khi bị đổ hoặc do điều kiện khách quan khác trộn lẫn cũng có thể làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy. Trong thí nghiệm có sử dụng nhiệt độ, áp suất cao, sử dụng thiết bị sinh nhiệt, nén áp lực có vòng quay lớn tạo ra ma sát va đập sinh nhiệt... Trong thí nghiệm, thực nghiệm còn sử dụng lửa trần, dòng điện có cường độ cao... Như vậy các phòng thí nghiệm, thực nghiệm luôn tồn tại các chất nguy hiểm cháy và các loại nguồn nhiệt có khả năng gây cháy nổ.
- Phòng máy vi tính
Đây là nơi tập trung tài sản có giá trị lớn về kinh tế và khoa học kỹ thuật: Hệ thống máy vi tính, máy điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm cùng hệ thống thiết bị điện, phục vụ cho giảng dạy học tập và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, thông thường phòng máy vi tính được trang bị hệ thống rèm cửa  tránh chói sáng và hệ thống bàn gỗ, giá kệ kê máy, do vậy tải trọng chất cháy tăng lên rất nhiều. Tại các phòng máy tính là nơi có nguy hiểm cháy cao bởi sự xuất hiện nguồn nhiệt do ngắn mạch, quá tải trên hệ thống dây dẫn điện. Đặc điểm nguy hiểm cháy xảy ra trong phòng máy vi tính khi học sinh thực hành dễ dẫn đến hoảng loạn do sợ bị điện giật, do có nhiều khói khí độc tỏa ra khi cháy nhựa, bàn ghế trong điều kiện thiếu khí.
- Thư viện
Thư viện trong các trường học có kết cấu gồm kho lưu trữ sách, tài liệu tư liệu và phòng đọc. Thư viện là nơi lưu trữ các tài liệu, tư liệu quan trọng có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật... song đã xảy ra rất nhiều vụ cháy do ở đây tập trung một khối lượng lớn chất cháy là giấy, sách báo, phim, ảnh tư liệu... Nguồn nhiệt trong thư viện có thể gây cháy là do phát sinh từ hệ thống điện và thiết bị điện tạo ra, do ngọn lửa trần. Về nguồn nhiệt trong thư viện cần chú ý đối với các thư viện có phòng đọc riêng, bố trí các giắc cắm điện phục vụ học sinh sinh viên có thể các em sử dụng thiết bị điện quá tải. Bên cạnh đó, trong kho sách cần chú ý việc bố trí các dãy giá sách phía dưới đường dây thiết bị điện chiều sáng bởi sự cố trên đường dây làm phát sinh nguồn nhiệt rơi xuống có thể trở thành nguồn nhiệt gây cháy.
- Khu vực ký túc xá của sinh viên
Khu ký túc xá là nơi ở, ăn uống sinh hoạt, tự học của sinh viên. Hầu hết các kí túc xá hiện nay đều trong tình trạng quá tải, nhiều kí túc xá được xây dựng từ trước đây chỉ đáp ứng lưu lượng của một phần nhỏ so với hiện tại. Do có đông sinh viên ở trong khu ký túc xá nên tính nguy hiểm cháy xảy ra ở đây ở mức cao.
+ Chất cháy chủ yếu là giường, chiếu, chăn, màn, quần áo, sách vở, xăng dầu... và đều là chất dễ cháy. Chất cháy phần bố đều khắp trên toàn bộ diện tích phòng ở kí túc xá, bởi vậy khi cháy xảy ra tốc độ cháy lan lớn, sinh nhiều khói.
+ Nguồn nhiệt từ các thiết bị điện tạo ra như bàn là, bếp điện, ấm điện, bóng điện, bếp dầu, đèn dầu, nến, thuốc lá, thắp hương thờ cúng... Các loại nguồn nhiệt trong kí túc xá thường rất sẵn, đặc biệt với nhiều kí túc xá đại học xảy ra tình trạng nấu ăn, là quần áo, thắp hương…
- Khu vực bếp ăn, căng tin
Hầu hết các trường đều có bếp ăn dùng để nấu ăn tập thể cho cán bộ giáo viên nhà trường, nấu ăn cho học sinh bán trú, căng tin, nhà ăn phục vụ học sinh, sinh viên. Ở khu vực này thường xuyên tồn chứa lượng chất cháy lớn như khí dấu mỏ hóa lỏng, nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sinh hoạt và hầu hết đều là chất dễ cháy. Trong quá trình sử dụng ngọn lửa trần do đun nấu, sự cố thiết bị điện đều có thể làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy. Bên cạnh đó, ở vị trí bếp đun, do dầu, mỡ bám dính lên tường, hút mùi trở thành con đường lan truyền của ngọn lửa gây cháy lan nhanh chóng.
- Khu vực ga ra xe
Khu ga ra xe thường có ở các trường phục vụ việc để các loại phương tiện đi lại của giáo viên, học sinh, sinh viên, trong đó chú ý với các trường đại học do nhiều sinh viên sử dụng, có những trường hàng ngày có hàng vạn xe để trong trường. Lượng xe nhiều đồng nghĩa với nguy hiểm cháy nổ cao bởi trong xe chứa lượng nhiên liệu là chất dễ cháy và bên cạnh đó phần nhựa trên xe cũng là chất dễ cháy. Nguồn nhiệt hình thành trong ga ra xe có thể do hút thuốc, do sự cố điện trên các xe hoặc sự cố hệ thống điện chiếu sang, bảo vệ gây cháy. Khi cháy xảy ra hầu hết các xe trong ga ra đều bị bắt cháy, tốc độ cháy lan lớn do đường ống dẫn nhiên liệu của xe bằng nhựa bắt cháy.
II. Tình hình các vụ cháy và công tác chữa cháy, CNCH
 (Giảng viên cập nhật các vụ cháy ở trường học, cơ sở giáo dục tại thời điểm gần để có thêm ví dụ minh họa; nếu có hình ảnh hoặc video clip minh họa thì sẽ tăng thêm sự thu hút của bài giảng).
III. Những nguy cơ gây cháy, nổ trong trường học
Nguyên nhân gây cháy trường học có rất nhiều loại khác nhau như do cháy lan từ nơi khác đến, do đốt trả thù mâu thuẫn cá nhân; do vi phạm quy định về PCCC; do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt… Nguyên nhân gây cháy tại từng khu vực trong trường:
- Nguyên nhân gây cháy khu vực hội trường, giảng đường, phòng học
Có nhiều nguyên nhân gây cháy đối với khu vực hội trường, giảng đường, phòng học:
+ Do sơ xuất bất cẩn trong việc sử dụng thiết bị điện gây cháy.
+ Do vi phạm quy định an toàn khi sử dụng điện, sử dụng lửa trần như hút thuốc trong hội trường, giảng đường, phòng học.
+ Do đốt phá hoại, đốt trả thù mâu thuẫn cá nhân gây cháy...
- Nguyên nhân gây cháy phòng thí nghiệm, thực nghiệm
+ Do sai sót nhầm lẫn trong sắp xếp, bảo quản, sử dụng chất cháy, nguồn nhiệt khi thí nghiệm, thực nghiệm bởi nhân viên thí nghiệm chưa được tiếp cận hóa chất mới; do người thực tập thí nghiệm thực hiện…
+ Do nhân viên thí nghiệm không chấp hành đúng các quy định an toàn trong thí nghiệm, để lẫn các loại hóa chất kị nhau, xảy ra phản ứng, gây cháy.
+ Do thiếu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra của cán bộ có trách nhiệm trông coi, quản lý, hướng dẫn thí nghiệm.
+ Do sự cố các thiết bị máy móc thí nghiệm... trong quá trình thí nghiệm gây cháy.
+ Do sự cố thiết bị điện làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.
- Nguyên nhân gây cháy phòng máy tính
+ Do sự cố kỹ thuật các thiết bị máy tính, điều hoà nhiệt độ, hệ thống thiết bị điện trong phòng máy tính làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.
+ Do quá tải, ngắn mạch trên hệ thống đường dây dẫn điện
+ Do người sử dụng, bảo quản có những sai sót trong thao tác vận hành làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.
+ Do đốt phá hoại nhằm trả thù mâu thuẫn cá nhân, che dấu hành vi phạm tội…
+ Do vi phạm quy định về PCCC như sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong phòng máy tính.
- Nguyên nhân gây cháy thư viện
+ Do sơ suất trong sử dụng điện. Nhân viên thư viện, người đọc đã sử dụng không đúng các thiết bị điện làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.
+ Do vi phạm quy định về PCCC như đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc trong thư viện.
+ Do đốt phá hoại nhằm trả thù mâu thuẫn cá nhân, che dấu hành vi phạm tội như trộm, cắp trong thư viện rồi đốt…
- Nguyên nhân gây cháy khu vực ký túc xá của sinh viên
+ Do vi phạm các quy định PCCC trong ăn, ở, sinh hoạt tại ký túc xá. Trong ký túc xá, có thể xảy ra vi phạm quy định về PCCC như trong sử dụng thiết bị điện (đun, nấu, dùng chao đèn điện bằng giấy…)
+ Do sự cố thiết bị điện. Hiện nay, có nhiều sinh viên sử dụng máy tính, đài… và các thiết bị tiêu thụ điện này đều có thể xảy ra sự cố làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.
+ Do sơ xuất sử dụng chất cháy. Chất cháy trong ký túc xá của sinh viên có nhiều loại khác nhau trong đó có những loại có tính nguy hiểm cháy cao như xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Trong quá trình sinh hoạt, nếu sơ xuất có thể dẫn đến xảy ra cháy.
+ Do thiếu kiến thức PCCC. Hầu hết sinh viên hiện nay đều không được trang bị kiến thức về nguy hiểm cháy, nổ và các giải pháp phòng ngừa.
- Nguyên nhân gây cháy khu vực bếp ăn, căng tin  
+ Do sơ suất trong sử dụng điện. Sử dụng điện quá tải trong đun nấu, sinh hoạt như hệ thống điều hòa...
+ Do vi phạm quy định về PCCC như đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc trong bếp ăn, căng tin.
+ Do đốt phá hoại nhằm trả thù mâu thuẫn cá nhân, che dấu hành vi phạm tội như trộm, cắp rồi đốt…
+ Do thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng dẫn tới rò rỉ khi ra ngoài gặp nguồn lửa, nguồn nhiệt gây cháy.
- Nguyên nhân gây cháy ga ra xe
+ Do sự cố hệ thống thiết bị điện chiếu sáng, bảo vệ làm phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.
+ Do vi phạm quy định về PCCC như đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc trong ga ra xe.
+ Do đốt phá hoại nhằm trả thù mâu thuẫn cá nhân, che dấu hành vi phạm tội như trộm, cắp xe rồi đốt…
IV. Thực trạng công tác PCCC trong các trường học
Đối với mỗi loại hình đào tạo đều có những đặc thù tồn tại trong công tác PCCC, trong đó có những điểm chung như công tác PCCC khu vực bếp ăn, việc tổ chức tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ PCCC, trang bị phương tiện PCCC và những điểm riêng của từng loại hình.
Hầu hết các trường học không tự ban hành nội quy PCCC. Hầu hết trong các phòng học không có nội quy PCCC nói riêng, nội quy phòng học nói chung, kể cả các phòng học chuyên ngành, chuyên đề, phòng học có hệ thống điều hòa, kĩ thuật… Do không có nội quy, không được nghe phổ biến nên mặc nhiên cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên khi sử dụng các phòng học không thực hiện công tác PCCC.
Trong các trường còn thiếu trang thiết bị PCCC, đặc biệt là hệ thống cấp nước chữa cháy vách tường. Đối với bình chữa cháy, ở hầu hết các trường tập trung toàn bộ bình chữa cháy trong kho hoặc tại phòng bảo vệ do lo sợ việc học sinh, sinh viên rút chốt an toàn hoặc mất trộm. Thậm chí nhiều trường, trong các phòng máy tính, thư viện không trang bị bình chữa cháy xách tay.
Các trường hạn chế tập huấn, huấn luyện an toàn PCCC cho giáo viên, đặc biệt đối với khối trường mầm non, và ở bậc học phổ thông. Do không được tập huấn, huấn luyện, lại không được đào tạo kiến thưc đảm bảo an toàn PCCC từ trước đó nên trong quá trình thực hiện đào tạo không quan tâm công tác PCCC và nguy hiểm hơn đó là khi có cháy, nổ xảy ra không biết sử dụng phương tiện PCCC, ngọn lửa phát sinh hình thành đám cháy lớn.
Các trường bán trú, bố trí nấu ăn trưa cho cán bộ, giáo viên có lượng gas nhất định tồn chứa, để chung với các đồ vật dễ cháy. Sử dụng gas để đun nấu có nhiều ưu điểm hơn so với các loại chất đốt khác như than, dầu hỏa, củi, rơm rạ... bởi vì khi bị đốt cháy, gas tỏa ra nhiệt lượng lớn và cháy hoàn toàn nên ít gây ô nhiễm môi trường. Bếp gas lại dễ điều chỉnh độ to, nhỏ của ngọn lửa và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, do gas là chất rất dễ cháy, nổ nên khi sử dụng nếu bếp đun không đảm bảo an toàn và người sử dụng thiếu ý thức và kiến thức PCCC (PCCC) thì rất dễ xẩy ra cháy, nổ. Gas là hỗn hợp của các chất hydro cacbon, trong đó thành phần chủ yếu là khí propan và butan, có tỷ trọng nặng hơn không khí (butan 2,07 lần, prôpan 1,55 lần), do đó khi gas thoát ra ngoài sẽ bay là là trên mặt đất và tích tụ ở những chỗ trũng gặp ngọn lửa có thể gây cháy, nổ. Khi bị đốt cháy, gas sinh ra nhiệt độ rất cao (từ 1.900 – 1.9500C) rất dễ gây cháy lan và gây bỏng cho người và gia súc. Gas được nén vào bình thì hóa lỏng, khi thoát ra ngoài lại chuyển thành thể khí nên rất khó bảo quản, đòi hỏi thiết bị chứa, hệ thống dây dẫn và van xả khí phải kín tuyệt đối song đường ống cấp gas không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.
Đối với trường mần non, tình trạng một trường mầm non có “nhiều” điểm lẻ trở thành phổ biến, nhất là đối với hệ thống trường mầm non tư thục. Những điểm lẻ bố trí lớp mầm non đa số có diện tích nhỏ, phòng học ẩm thấp, không đủ sân chơi, không có bếp ăn, không đủ điều kiện để mở các lớp bán trú, chủ yếu là thuê mướn nhà ở của các hộ gia đình. Do phải ưu tiên phòng học cho trẻ 5 tuổi nên trẻ 3, 4 tuổi đến lớp thường phải học ghép, ở lẫn, trong điều kiện trường học được xây dựng gần cây xăng, chợ, cơ sở sản xuất là những đối tượng có nguy hiểm cháy, nổ cao. Quy định nhà trẻ, mẫu giáo chỉ bố trí 3 tầng trở xuống… song đa phần các trường mầm non, mẫu giáo, cơ sở nuôi dạy trẻ tư thục sử dụng những căn nhà chật chội cao từ 3 đến 6 tầng và chỉ có một cầu thang thoát nạn.
          Đối với các trường bậc phổ thông, đặc biệt là các trường học bán trú, do nơi nghỉ của học viên bố trí liền với nơi học hoặc chính là phòng học nên vấn đề thoát nạn gặp khó khăn nhất định. Các cháu học sinh chưa có ý thức tự vệ, điều gì sẽ xảy ra khi lửa, khói bao trùm cầu thang, lối và đường thoát nạn. Việc thoát nạn cho cán bộ, giáo viên nhà trường đã khó, chưa nói đến hướng dẫn thoát nạn cho các cháu.
Đối với các trường Đại học có khu kí túc xá là nơi có nguy hiểm cháy, nổ cao do đây là nơi sinh hoạt, học tập của các em sinh viên. Mật độ sinh hoạt đông, cuộc sống sinh hoạt phong phú, tâm lý lứa tuổi chưa ổn định là những nguy hiểm trong công tác PCCC song bên cạnh đó hệ thống phương tiện chữa cháy ban đầu hạn chế, không được đào tạo kiến thức PCCC cũng là những tồn tại dẫn đến hậu quả xấu khi có cháy xảy ra.

V. Các biện pháp phòng cháy trong trường học
Trường học là nơi thường xuyên tập trung đông người, đặc biệt các trường học thuộc các cấp bậc đào tạo mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở là nơi các em nhỏ rất dễ bị hoảng loạn nếu như có cháy xảy ra. Do vậy, tổ chức công tác PCCC, đảm bảo an toàn PCCC cho người và tài sản tránh mọi khả năng gây ra cháy là một vấn đề rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn PCCC công tác PCCC phải được coi trọng, cụ thể:
- Thực hiện đầy đủ thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra trong quá trình thi công tác hạng mục PCCC, nghiệm thu, đến quá trình sử dụng. Trong quá trình sự dụng phải tuân thủ đúng thiết kế như lưu lượng xe để trong trường, lưu lượng học sinh, sinh viên, phương thức bộ trí học sinh, sinh viên các lớp…
- Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu đảm bảo về chất lượng và số lượng, luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
- Tổ chức tốt lực lượng PCCC cơ sở cơ động, thường trực sẵn sàng chiến đấu. Đối với các trường từ bậc phổ thông cơ sở trở lên đã có thể bố trí học sinh tham gia vào đối PCCC cơ sở và yêu cầu này là bắt buộc đối với các trường đại học, đặc biệt với khu kí túc xá..
- Tất cả các trường học phải có nội quy PCCC, phương án chữa cháy, phương án thoát nạn cho trẻ em và học sinh khi có cháy xảy ra. Phương án  phải được tổ chức học tập, diễn tập, tổ chức rút kinh nghiệm. Hàng năm khi có sự thay đổi, hoăc sau mỗi lần thay đổi phải được bổ xung ngay vào phương án cho phù hợp.
- Các trường học có nhà nhiều tầng, nên bố trí học sinh lớn ở tầng trên, học sinh nhỏ ở tầng dưới, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh thoát nạn khi có sự cố về cháy. Có bảng chỉ dẫn trên đưng thoát nạn trên lối và đường thoát nạn.
- Các phòng thí nghiệm, các phòng để là quần áo cho học sinh phải được bố trí riêng biệt, ngăn cách với các phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, phòng sinh hoạt của học sinh bằng tường không cháy.
- Cấm sử dụng điện tùy tiện. Các thiết bị tiêu thụ điện như bếp điện, lò sưởi, bàn là, bóng điện…chỉ được sử dụng trong phạm vi cho phép đã được tính toán khi thiết kế.
- Ở những nhà trẻ, nhà mẫu giáo, cần dùng đèn dầu để thắp sáng, đèn phải treo cao hơn tầm với của trẻ em. Bếp đun nấu bằng củi hoặc bếp dầu phải đặt cách biệt với phòng ngủ, phòng sinh hoạt của học sinh. Khi sử dụng khí cháy để đun nấu phải có các thiết bị an toàn (van an toàn).
- Không được để các em nghịch lửa, diêm, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong trường. Đối với các em học sinh từ bậc học phổ thông cơ sở trở lên phải tổ học tập, tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức, nhận thức về sự nguy hiểm cháy nổ, hậu quả tác hại khi có cháy xảy ra…
- Đối với khu vực hội trường, giảng đường, phòng học
+ Hệ thống điện trong khu vực hội trường, phòng học, giảng đường phải được tính toán lắp đặt hợp lý, có các thiết bị bảo vệ. Cần lưu ý tính toán đến việc sử dụng thiết bị điện của học sinh, sinh viên như máy tính, điện thoại bởi tập hợp những phụ tải này không phải là nhỏ, có thể gây hiện tượng quá tải.
+ Trong mỗi hội trường, giảng đường, phòng học phải có nội quy PCCC và nội quy này phải được quá triệt tới các đối tượng sử dụng.
+ Yêu cầu đối tượng sử dụng phải kiểm tra ngắt hết điện trước khi đóng cửa. Lực lượng bảo vệ nhà trường có trách nhiệm kiểm tra lại.
+ Trang bị các bình khí CO2, bình bột chữa cháy tại khu vực sân khấu, hội trường, giảng đường, phòng học, khu vực có các bảng phân phối điện, có hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống màng ngăn cháy.
+ Giả định tình huống cháy và tổ chức luyện tập, đảm bảo các em nhỏ không bị hoảng loạn khi có cháy xảy ra.
+ Xây dựng hệ thống nội quy chuyên biệt cho hội trường, giảng đường, phòng học.
- Đối với phòng thí nghiệm, thực nghiệm
+ Tại các phòng thì nghiệm phải có các quy trình thí nghiệm, trong quy trình nêu rõ những công đoạn thí nghiệm có nguy hiểm cháy, nổ.
+ Các thiết bị thí nghiệm, các loại hóa chất phải được kê lên giá, kệ. Trên mỗi thiết bị đựng hóa chất phải có các ký hiệu cụ thể, trong đó có các ký hiệu quy định tính nguy hiểm cháy, nổ.
+ Hệ thống điện chiếu sáng và sử dụng làm thí nghiệm, thực nghiệm phải an toàn phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.
+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy phù hợp cho từng bộ thí nghiệm, thực nghiệm.
+ Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động cho các phòng thí nghiệm, thực nghiệm.
+ Cán bộ hướng dẫn thí nghiệm, cán bộ trông coi phòng thí nghiệm phải có kiến thức về PCCC; nắm, hiểu rõ quy trình về PCCC. Sinh viên trước khi làm thí nghiệm phải được phổ biến về quy định an toàn PCCC.
+ Tại mỗi phòng thí nghiệm, thực nghiệm phải có nội quy quy định PCCC
- Đối với phòng máy vi tính
+ Tại các phòng máy tính phải có nội quy quy định việc sử dụng máy tính trong học tập, nghiên cứu.
+ Có chế độ kiểm tra định kỳ phát hiện những khuyết tật có thể dẫn đến sự cố phát sinh nguồn nhiệt gây cháy của hệ thống thiết bị máy tính và hệ thống thiết bị điện.
+ Khi lắp đặt thêm các thiết bị điện như máy tính, điều hòa, máy hút ẩm… phải tính toán đến khả năng chịu tải của dây dẫn.
+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy.
+ Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động cho phòng máy tính.
+ Cán bộ quản lý phòng máy tính phải có kiến thức về PCCC; nắm, hiểu rõ quy trình về PCCC. Sinh viên trước khi sử dụng phải được phổ biến về quy định an toàn PCCC.
+ Tại mỗi phòng máy tính phải có quy định an toàn PCCC.
- Đối với thư viện
Đối với thư viện, hiện có nhiều văn bản quy định về công tác PCCC, trong đó có một số nội dung cụ thể như sau:
+ Tài liệu trong thư viện phải được sắp xếp lên giá, kệ. Các giá sách phải sắp xếp cách xa các bóng điện ít nhất là 0,6m.
+ Nghiêm cấm việc đun nấu, thắp hương thờ cúng, hút thuốc hoặc sử dụng ngọn lửa trần trong thư viện.
+ Hệ thống điện trong thư viện phải an toàn. Hệ thống điện của phòng đọc phải được tính toán đến các thiết bị phụ tải như máy tính, máy chiếu…
+ Trong thư viện cần lắp đặt hệ thống báo cháy tự động.
+ Trang bị các bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy vách tường trong thư viện, đặc biệt trang bị hệ thống chữa cháy tự động chất chữa cháy khí cho khu vực kho tài liệu.
+ Phải có nội quy PCCC. Nội quy này phải được phổ biến cụ thể đến cán bộ trông coi quản lý thư viện cũng như người đọc trong thư viện.
- Đối với khu vực ký túc xá của sinh viên
+ Tất cả các sinh viên khi đến ở ký túc xá phải được học tập quy chế của ký túc xá, nội quy PCCC. Khi vào ở phải ký cam kết thực hiện PCCC.
+ Hệ thống điện trong ký túc xá phải an toàn, có tính toán đến các thiết bị phụ tải như máy tính, đèn chiếu sáng phục vụ học tập của sinh viên. Phải có cán bộ có chuyên môn thường xuyên kiểm tra việc sử dụng điện trong khu vực ký túc xá.
+ Nghiêm cấm việc đun, nấu phục vụ sinh hoạt trong ký túc xá.
+ Tổ chức sinh viên thành lập các đơn vị PCCC cơ sở của ký túc xá. Yêu cầu tối thiểu mỗi phòng phải có một người biết sử dụng phương tiện PCCC, kiến thức PCCC.
+ Trang bị các bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy vách tường cho khu vực ký túc xá.
+ Phải có nội quy PCCC. Nội quy PCCC bao gồm nội quy PCCC chung và nội quy PCCC cho từng phòng ở trong ký túc xá.
- Đối với khu vực bếp ăn, căng tin
+ Tại các bếp ăn, căng tin phải có các nội quy, quy định về PCCC, quy trình vận hành đường ống khí dầu mỏ hóa lỏng.
+ Khu vực để bình chứa khi dầu mỏ hóa lỏng phải thông thoáng, cao hơn khu vực xung quanh, có tường bảo vệ. Thường xuyên kiểm tra khả năng chịu áp, hệ thống van khóa của đường ống cấp khí.
+ Hệ thống điện chiếu sáng và sử dụng đun nấu phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.
+ Cần trang bị các loại bình khí CO2 và bột chữa cháy phù hợp cho từng khu vực trong bếp ăn, căng tin.
+ Người làm việc ở khu vực bếp ăn phải có kiến thức PCCC, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC.
+ Tại mỗi bếp ăn, căng tin phải có quy định an toàn PCCC.
- Đối với khu vực ga ra xe
+ Lực lượng bảo vệ phải thường xuyên canh gác, giám sát các xe trong khu vực ga ra. Kiểm tra tình trạng chủ xe quên chìa khóa trên xe. Chủ động xử lý tình huống phát sinh cháy nổ trong ga ra xe.
+ Hệ thống điện phải an toàn phải được tính toán, có thiết bị bảo vệ trên mỗi hệ thống.
+ Cần trang bị các loại bình bột chữa cháy trong ga ra xe, treo ở vị trí dễ thấy, dễ lấy.
+ Kẻ vạch, phân ô xe trong ga ra đảm bảo lối đi lại thuận lợi.
+ Khi cho xe vào ga ra, bảo vệ cần quan sát, đánh giá nguy hiểm cháy của từng xe. Sau .
+ Tại mỗi ga ra xe phải có quy định an toàn PCCC.
Ngoài các khu vực cơ bản trên trong các trường còn có khu vực làm việc của cán bộ, giáo viên, khu vực lao động sản xuất thực nghiệm và câu lạc bộ văn hoá sinh viên… Ở các khu vực này cũng có những nguy hiểm về cháy cần có những biện pháp PCCC phù hợp cho từng khu vực. Lực lượng nòng cốt tổ chức thực hiện công tác PCCC trong các trường là lực lượng bảo vệ của trường và trưởng các cụm bộ phận. Lực lượng bảo vệ làm tham mưu, giúp ban lãnh đạo nhà trường thực hiện công tác PCCC trong toàn trường, cụ thể là:
- Căn cứ vào các quy định chung về PCCC của Nhà nước, địa phương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến chỉ đạo của Hiệu trưởng, xây dựng kế hoạch, phương án PCCC chung cho toàn trường.
- Hướng dẫn cho các đơn vị trong trường, các phòng, khoa, bộ môn xây dựng các quy định PCCC cụ thể, áp dụng cho bộ phận công tác của mình.
- Tổ chức huấn luyện lực lượng PCCC nghĩa vụ ở từng khoá, từng khoa, từng bộ môn, phòng.
- Đề xuất mua sắm trang bị các phương tiện, dụng cụ PCCC cần thiết để trang bị có các khu vực trong trường.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn PCCC của cán bộ giáo viên, công nhân viên và sinh viên trong toàn trường. Có kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm.
- Lập các phương án PCCC tại chỗ, tổ chức, tập luyện sẵn sàng chữa cháy. Khi có cháy phải nhanh chóng phát lệnh báo động, huy động lực lượng PCCC phục vụ dập lửa, báo ngay cho đội chữa cháy chuyên nghiệp đến chi viện, triển khai việc bảo vệ khu vực cháy và bảo vệ toàn trường.
- Lực lượng bảo vệ các trường cần được tập huấn về nghiệp vụ PCCC thường xuyên, có sự phối hợp công tác chặt chẽ với lực lượng PCCC chuyên nghiệp và có sự chỉ đạo của ban lãnh đạo trường.
- Khi có cháy xảy ra phải chủ đông thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Triển khai toàn bộ lực lượng, phương tiện chữa cháy hiện có để chủ động khống chế dập tắt đám cháy.
VI. Các biện pháp chữa cháy trong trường học
6.1. Khi chữa cháy cần chú ý:
- Đảm bảo an toàn cho người tham gia chữa cháy
- Ngắt điện khu vực xảy ra cháy.
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy, bảo hộ hiện có tại cơ sở; đặc biệt là hệ thống chữa cháy được lắp đặt tại cơ sở.
- Thông báo cho mọi người biết có cháy xảy ra. Báo cháy 114.
- Người được giao nhiệm vụ ngăn chặn cháy lan và thoát khói sẽ sử dụng những thiết bị cần thiết (thiết bị thở trong môi trường đám cháy, búa, rìu phá dỡ…) và chọn những vị trí hợp lý trên cơ sở hướng gió để phá dỡ cấu kiện xây dựng nhằm thoát khói. Sử dụng tia nước đặc từ các lăng chữa cháy để ngăn chặn sự lan truyền của đám cháy, kết hợp phun mưa để làm mát chiến sỹ trực tiếp đứng chữa cháy và làm mát cấu kiện xây dựng.
- Khi tham gia chữa cháy cần phải chú ý không gây cản trở đến quá trình thoát nạn. Việc triển khai các đội hình chữa cháy có thể được thực hiện qua các cầu thang bộ hở hoặc triển khai ngoài nhà qua ban công.
6.2. Các biện pháp kỹ thuật an toàn:
- Hướng dẫn mọi người thoát nạn an toàn. Cần lưu ý hướng dẫn mọi người di chuyển từ tầng trên xuống dưới, tập kết mọi người thành khối cán bộ, giáo viên, lớp học sinh, sinh viên. Trong trường hợp khẩn cấp không thoát được theo cầu thang thì hướng dẫn thoát ra các lối ra ban công, ra mái và thông báo mọi người biết để ứng cứu. Đặc biệt đối với các cháu thuộc các nhà trẻ, trường mầm non khi có sự cố thường hoảng loạn có thể dẫn đến việc không thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên nên cần vừa kết hợp hướng dẫn tự thoát nạn đồng thời vừa phải huy động người để cưỡng chế thoát nạn.
- Thực hiện công tác cứu người bị nạn như cấp cứu người bị nạn.
- Lực lượng PCCC cơ sở phải tổ chức triển khai phương tiện chữa cháy đã được trang bị.
- Sử dụng bình chữa cháy để dập cháy. Bình chữa cháy được phân bố rải rác trên khắp diện tích trường học. Khi phát hiện có cháy xảy ra, cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh đều phải chủ động lấy bình dập tắt đám cháy.
- Sử dụng nước để chữa cháy. Triển khai các họng nước chữa cháy (nếu có) tấn công dập tắt ngọn lửa, ngăn chặn cháy lan. Lưy ý, chỉ triển khai nước chữa cháy khi đảm bảo rằng hệ thống điện đã được ngắt và trong trường hợp phòng máy tính, thư viện, phòng thí nghiệm không còn phương tiện bình chữa cháy để dập cháy.
- Dùng chăn chữa cháy để dập cháy. Đối với các vị trí đã bố trí chăn chữa cháy hoặc khu vực kí túc xá sinh viên khi có cháy xảy ra, sinh viên cần chủ động dùng chăn dập cháy bằng cách xấp ướt (nếu cần), phủ kín toàn bộ diện tích đám cháy và miết kín xung quanh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Học sinh có những điều kiện nào phục vụ việc học qua Internet?

TRUYỀN HÌNH GIÁO DỤC
Văn bản mới

1360/PGDĐT

Ngày ban hành: 13/08/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ cấp lại bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc

Ngày ban hành: 13/08/2024

1080/PGDĐT

Ngày ban hành: 18/07/2024. Trích yếu: Triển khai hồ sơ chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở

Ngày ban hành: 18/07/2024

299/PGDĐT

Ngày ban hành: 11/03/2024. Trích yếu: Triển khai khảo sát thực trạng phát triển năng lực số cho học sinh THCS

Ngày ban hành: 11/03/2024

162/PGDĐT

Ngày ban hành: 31/01/2024. Trích yếu: Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong các cơ sở giáo dục năm 2024

Ngày ban hành: 31/01/2024

293/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 08/03/2024. Trích yếu: Triển khai một số nội dung liên quan đến việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày ban hành: 08/03/2024

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay699
  • Tháng hiện tại19,559
  • Tổng lượt truy cập1,585,235
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây