Trường Tiểu học Hiệp Thành

https://thhiepthanh.tptdm.edu.vn


Bắt đầu dạy bé nấu ăn như thế nào?

Làm quen với việc nấu ăn, bé sẽ được khám phá thế giới nhiều màu sắc và phong phú của các loại rau, củ, quả, cá, tôm, thịt; được “tự tay” nấu món mà mình yêu thích.
Bắt đầu dạy bé nấu ăn như thế nào?

Cho bé làm quen
Dưới 2 tuổi, bé đã có thể vào bếp cùng mẹ để dõi mắt xem mẹ đang làm gì, ngắm nghía màu xanh xanh đỏ đỏ của đồ ăn. Đây là thời kỳ đầu giúp bé khám phá thế giới thú vị có ngay ở gian bếp nhỏ xinh nhà mình.

Mẹ hãy đặt bé ngồi trên một chiếc ghế để bé làm khán giả. Trong khi rửa táo, nho hay bất kỳ đồ ăn, vật dụng nào bạn có thể hỏi con như: “Su ơi, mẹ đang cầm trái gì đây? Trái táo màu gì vậy con?” Hoặc cho bé nếm thử một thứ trái cây nào đó và hỏi con xem trái đó có vị gì? Bằng cách này bạn sẽ lôi kéo được sự chú ý của bé. Hơn nữa bé sẽ biết thêm nhiều khái niệm, phân biệt được nhiều màu sắc, công dụng của các dụng cụ nấu ăn và nhiều thứ quan trọng khác nữa.

Trở thành “đầu bếp” tý hon
Từ 2 tuổi trở lên khi bé đã chạy lon ton được rồi thì mẹ hoàn toàn có thể yên tâm nhờ bé những việc nhỏ như: Lấy giúp mẹ 1 quả trứng gà trong tủ lạnh, một trái cam to nhất trên rổ. Đây là dịp để bé thực hành bài học phân biệt các loại đồ ăn, trọng lượng, công dụng của các đồ dùng bếp mà mẹ đã dạy trước đó… Bé sẽ rất hăng hái với vai trò phụ bếp đấy mẹ ạ!
Từ 5 tuổi, mẹ cũng có thể để bé tự lên thực đơn cho bản thân và cả nhà (đương nhiên mẹ vẫn nên định hướng để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho mọi người). Sau đó hai mẹ con hãy đi chợ để lựa chọn thực phẩm. Thực phẩm nào tươi, ngon, tốt cho sức khỏe? Ví dụ, rau củ đã bị dập, hư thì không nên chọn vì nó sẽ không tốt cho sức khỏe của chúng ta… Bằng cách này, mẹ dần dần trang bị cho bé những kiến thức cơ bản nhất để nhận biết nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe.
 

Lần đầu bé tập nấu ăn, hai mẹ con hãy cùng chế biến những món tương đối đơn giản một chút để bé không cảm thấy mệt. Có thể là món trứng chiên chẳng hạn. Dạy cho bé cách cầm quả trứng và đập vào tô thế nào cho không bị rớt ra ngoài. Cùng bé dùng đũa và đánh tan trứng… Một vài phút thôi là hai mẹ con đã hoàn thành món trứng chiên rồi, bé sẽ rất khoái chí cho mà xem.

Mẹo khuyến khích bé
Biến thành trò chơi thú vị. Trẻ con vốn thích bắt chước những việc người lớn làm nhưng chúng cũng rất nhanh chán. Để việc bếp núc không nhàm chán đối với bé thì mẹ phải biến buổi nấu ăn thành những trò chơi thú vị.

Bao giờ cũng vậy, những cuộc thi thố luôn lôi cuốn bé tham gia một cách nhiệt tình. Hãy biến việc nhặt rau tẻ nhạt thành cuộc thi xem ai là người nhặt rau nhanh và sạch nhất. Ai là người nhào bột nhuyễn hơn? Hoặc phân chia công việc, mẹ làm cá còn cu Bin sắp xếp các món rau quả tươi lên đĩa, ai xong trước sẽ dành phần thắng. Mẹ nên giả bộ nhường phần thắng để bé thích thú với trò chơi nấu ăn hơn mà không nhụt chí. Một phần quà nhỏ cho người thắng cuộc rất cần thiết, mẹ không nên bỏ qua.
 

Khen ngợi để khích lệ. Mỗi lần con hoàn thành xong việc gì mẹ không nên “tiếc” lời khen ngợi bé. Dù rau nhặt chưa được sạch cho lắm hay món thịt kho mà con tự tay bỏ muối hơi mặn một chút thì mẹ cũng không nên chê bai con. Hãy khuyến khích: “Bo của mẹ giỏi quá, hôm nay con đã nấu ăn rất ngon rồi đấy. Hôm sau nếu kho thịt, mẹ con mình nên bỏ bớt 1 muỗng muối nhé, như vậy nồi thịt kho sẽ tuyệt hơn”.

Mẹ đừng quên sắm cho bé vài chiếc tạp dề nhỏ xinh, một chiếc nón vua đầu bếp,…để với bộ dạng là một đầu bếp chuyên nghiệp, bé sẽ thích thú hơn mỗi khi nấu ăn.

Lưu ý khi cùng bé vào bếp
Tuyệt đối không cho trẻ táy máy vào những vật dụng sắc bén, đặc biệt là những máy móc vẫn còn nóng sau khi sử dụng, mà chưa hỏi qua ý của người lớn.

Một số thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc hoặc đau bụng khi chưa chế biến, mẹ cần tránh cho bé nêm nếm một cách tùy tiện.

Trước và sau khi chế biến món ăn, nhắc nhở bé vệ sinh tay sạch sẽ.

Luôn để mắt tới bé trong suốt thời gian hai mẹ con vào bếp để hướng dẫn khi cần và đảm bảo sự an toàn cho bé.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây