Đề cương tuyên truyền Đảng bộ thành phố Thủ Dầu Một 75 năm hình thành và phát triển (8/1948 - 8/2023)
Thứ hai - 11/09/2023 08:25
Thủ Dầu Một xưa là vùng đất hoang dã, cuối thế kỷ XVII một số người dân bắt đầu di cư đến làm ăn sinh sống. Tên gọi “Thủ Dầu Một” ra đời ngày 05/11/1876 theo Nghị định của Đô đốc Dupré (người Pháp). Trải qua các thời kỳ lịch sử tên gọi Thủ Dầu Một vẫn là tên gọi đơn vị hành chính trung tâm của tỉnh Sông Bé - Bình Dương.
Thời kỳ thống trị của thực dân Pháp, thị xã Thủ Dầu Một là nơi tập trung bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở tỉnh Thủ Dầu Một- một tỉnh có vị trí chiến lược về quân sự quan trọng của miền Đông Nam Bộ. Sau này, đế quốc Mỹ cũng chọn Thủ Dầu Một là một trong những điểm đóng quân, là một trong những hậu cứ của chúng. Nằm án ngữ phía Bắc của Sài Gòn, Thủ Dầu Một có vị trí khá quan trọng về kinh tế, chính trị, đặc biệt là việc bảo vệ an ninh cho bộ máy đầu não của chính quyền tay sai và đế quốc Mỹ. Vì vậy, chúng đã thiết lập một hệ thống giao thông thuận lợi cả thủy và bộ, đồng thời cũng là vùng bàn đạp quan trọng giữa ta và địch. Trong kháng chiến, Thủ Dầu Một cũng là nơi tiếp tế quan trọng cho chiến khu về lương thực, thực phẩm và những nhu cầu cần dùng khác cho sinh hoạt, phục vụ y tế cho nhân dân, bộ đội. Là con đường liên lạc của chiến khu với vùng tạm chiếm, được cán bộ, chiến sĩ ta kiên trì bám trụ giành lại từ tay giặc từng tấc đất.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, đến đầu năm 1861 chúng bắt đầu chiếm Gia Định và Thủ Dầu Một ngày nay. Nhân dân Thủ Dầu Một liên tiếp chặn đánh, cùng với nhân dân cả nước góp phần vào việc ngăn chặn ngoại xâm, gây cho quân Pháp nhiều khó khăn. Sau khi chiếm được nước ta, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị và bóc lột tàn bạo nhân dân ta. Tại Thủ Dầu Một, các phong trào yêu nước như Thiên Địa Hội, Hội kín, Hội Danh dự, hưởng ứng phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, Đề Pô xe lửa Dĩ An… diễn ra mạnh mẽ. Tuy các phong trào yêu nước của nhân dân Thủ Dầu Một trước khi Đảng ra đời không giành được thắng lợi nhưng đã góp phần xây dựng và củng cố lòng yêu nước cũng như phát huy truyền thống bất khuất của dân tộc. Các phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân là cơ sở vững chắc để nhân dân Thủ Dầu Một bước vào giai đoạn đấu tranh mới.
Tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới ánh sáng của Đảng, tháng 8 năm 1930, chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tại Bình Nhâm. Đến cuối năm 1936, tỉnh Thủ Dầu Một có 04 chi bộ, ở Phú Cường có chi bộ Lò Chén gồm 5 đảng viên, trực tiếp lãnh đạo phong trào nhân dân ở đây. Đến tháng 01 năm 1937, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chính thức được thành lập lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đã giành được chính quyền vào rạng sáng ngày 28 tháng 8 năm 1945. Thắng lợi của nhân dân Thủ Dầu Một trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước. Đó là thắng lợi của quá trình rèn luyện ý chí cách mạng, kiên cường, hy sinh của các tổ chức, lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thủ Dầu Một. Thắng lợi đó đã để lại bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, tạo điều kiện cho quân dân Thủ Dầu Một củng cố thực lực cách mạng cho cuộc kháng chiến tiếp theo của dân tộc.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lãnh đạo xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng. Các Chi bộ được củng cố vững mạnh, cùng đồng tâm, hiệp lực thực hiện tốt chủ trương của Đảng. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, thực hiện lời hiệu triệu trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chỉ thị cho các địa phương nghiêm chỉnh chấp hành lệnh kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban hành chính Nam Kỳ. Nhân dân tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, các phong trào tự vệ, cô lập bất hợp tác với kẻ thù, bí mật treo cờ Đảng, phục kích địch, rải truyền đơn, phá đồn bốt… diễn ra khắp địa phương. Nhân dân Thủ Dầu Một đã anh dũng chiến đấu, đặc biệt trận Cầu Định (6/1954) góp phần cùng nhân dân cả nước gây ra cho thực dân Pháp nhiều thất bại nặng nề buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Tháng 8 năm 1954, Mỹ bắt đầu xâm lược miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Từ 1954-1975, Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một và huyện Châu Thành đã quyết tâm đứng vững trên địa bàn, xây dựng và củng cố lực lượng, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Vượt qua những khó khăn khi mà đại bộ phận lực lượng vũ trang của ta đã chuyển quân tập kết, Ban Chấp hành Đảng bộ chỉ còn vài đồng chí, không có vũ khí, các tổ chức quần chúng không còn, Đảng bộ vẫn dựa vào quần chúng để từng bước xây dựng, củng cố phong trào, bám đất, bám dân và lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Nhờ thế, căn cứ địa của cách mạng luôn tồn tại, từng bước áp sát cơ quan đầu não của địch. Toàn bộ cán bộ, đảng viên đã không ngại hy sinh, gian khổ luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân góp phần tích cực vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Hiện nay, thành phố Thủ Dầu Một là 01 trong 09 đơn vị hành chính của tỉnh Bình Dương, có 14 đơn vị hành chính cấp phường gồm: phường Phú Cường, Hiệp Thành, Chánh Nghĩa, Phú Thọ, Phú Hòa, Phú Lợi, Hiệp An, Định Hòa, Phú Mỹ, Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An, Hòa Phú, Phú Tân. Thành phố Thủ Dầu Một có diện tích tự nhiên là 118,67 km2. Tổng dân số tính đến 01/01/2021 có 99.771 hộ với 345.018 dân, mật độ dân số trung bình 2.907 người/km2.
Thành phố Thủ Dầu Một đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt thị xã Thủ Dầu Một được công nhận thành Thành phố - đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương. Có được kết quả trên là do sự đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thủ Dầu Một. Đó là sự vận dụng thành công của nhiều chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Thành tựu đó còn bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, cần cù vượt khó của nhân dân Thủ Dầu Một đã được thử thách và khẳng định. Từ năm 2020, đối với tỉnh Bình Dương và cả khu vực, vai trò, vị trí của thành phố Thủ Dầu Một được nâng lên tầm cao mới, là một đô thị với điểm nhấn là khu vực trung tâm hành chính đô thị mới kết hợp với đô thị hiện hữu, kết nối với các đô thị khác trong vùng theo mô hình tập trung, phát triển hài hòa kinh tế - xã hội; nằm trong vùng đổi mới sáng tạo của tỉnh, xây dựng Thành phố tăng trưởng xanh, thông minh. Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân thành phố Thủ Dầu Một tiếp tục đoàn kết xây dựng Thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại xứng đáng với lịch sử của vùng đất - con người Thủ Dầu Một anh hùng.
Chúng tôi trên mạng xã hội