Say mê và tình yêu với nghề dạy học là lý do thầy luôn nỗ lực tự học, tự đào tạo, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Mỗi tiết lên lớp của thầy đều được học trò đón chào nồng nhiệt và hào hứng. Để làm được điều đó, theo thầy trước hết phải trang bị cho mình một sự hiểu biết sâu rộng chắc chắn về chuyên môn. Khi đã có chuyên môn vững người thầy sẽ rất chủ động, sáng tạo trong tất cả các khâu của quá trình dạy học để tiết học có hiệu quả cao.
Với tâm niệm, dạy những gì học sinh cần chứ không phải dạy những gì mình có, nên thầy luôn trăn trở để tìm ra những cách thức truyền đạt bài giảng một cách hiệu quả và phù hợp, nhất là đối với học sinh yếu, kém. Chính vì vậy, từ khi ngành Giáo dục triển khai phương pháp dạy học “Lấy học sinh làm trung tâm”, thầy đã ra sức tìm hiểu và ứng dụng vào tất cả các bài giảng của mình. Dần dần, thầy đã nắm được đặc điểm cũng như cách tiếp cận của phương pháp mới nên vận dụng rất linh hoạt. Hầu hết các tiết giảng của thầy đều làm cho học sinh cảm thấy như “học mà chơi, chơi mà học”. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả dạy học, thầy Phát đã tìm cách ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng và rất thành thạo trong việc giảng dạy bằng giáo án điện tử. Thầy Phát cho biết: “Việc soạn giảng bằng giáo án điện tử làm cho hiệu quả tiếp nhận kiến thức của học sinh đạt rất cao. Bằng việc đưa vào những hình ảnh, tư liệu để minh họa rất sinh động, nên các tiết dạy bằng giáo án điện tử đã thu hút học sinh tập trung bài giảng hơn. Không những vậy, do cùng một lúc, học sinh vừa được học lý thuyết vừa được giới thiệu thêm nhiều ví dụ dẫn chứng ngay trong đời sống thường nhật, nên nhớ bài cũng lâu hơn. Tuy nhiên, việc soạn giảng bằng giáo án điện tử đòi hỏi người giáo viên phải kỳ công sưu tầm nhiều hình ảnh, tư liệu phù hợp thì tiết dạy mới đạt hiệu quả như mong muốn”.
Chúng tôi trên mạng xã hội